Ghi chép lịch sử Phụ_nữ_ở_Athens_Cổ_điển

Nguồn cứ liệu

Không thể chối cãi rằng tuyển tập các văn liệu-sách vở hiện có chưa thực sự cho ta một cái nhìn toàn cảnh về xã hội Hy Lạp.

— John J. Winkler, The Constraints of Desire: The Anthropology of Sex and Gender in Ancient Greece[2]

Các nguồn chính về đời sống phụ nữ ở Athens Cổ điển thuộc các lĩnh vực văn học, chính trị, pháp lý,[3] và nghệ thuật.[4] Do phụ nữ được thể hiện khá thường xuyên trong các tác phẩm văn học, có thể lầm tưởng cho rằng ta biết rất nhiều về đời sống và trải nghiệm của phụ nữ Athens thuở xưa.[5] Tuy vậy, số bằng chứng văn học còn tồn tại đều được viết bởi đàn ông: các sử gia không thể nào biết được đức tin và trải nghiệm của phụ nữ Athens Cổ điển.[5] Chính vì thế, nhà nhân học John J. Winkler từng bình chú trong cuốn The Constraints of Desire rằng "phần lớn tư liệu còn sót lại không thể được chấp nhận ngay một cách hời hợt khi chúng nhắc đến phụ nữ".[6]

Theo Sarah Pomeroy, "các vở bi kịch không thể được dùng làm nguồn độc lập cho cuộc đời của một người phụ nữ bình thường"[7] bởi lẽ vị thế của người phụ nữ trong bi kịch bị chi phối bởi vai trò của họ trong các thần thoại cổ xưa mà tác giả lấy cảm hứng.[8] Dẫu vậy, bài luận với nhan đề "The Position of Women in Athens in the Fifth and Fourth Centuries" (1925) của A. W. Gomme vẫn dựa phần lớn vào các nguồn bi kịch, và biện minh rằng các nhân vật nữ trong đó đều phỏng theo phụ nữ đương thời.[9] Tính chính thống của các nguồn hài kịch cũng đã bị đặt nghi vấn. Pomeroy bình rằng, bởi lẽ chúng ít bị ảnh hưởng bởi các thần thoại về anh hùng anh thư, nên có thể coi hài kịch đáng tin cậy hơn bi kịch về mặt sử học.[7] Thế nhưng Gomme cũng cực lực chỉ trích việc lấy Hài kịch Cổ làm bằng chứng cho cuộc sống thường nhật của người xưa "bởi lẽ, theo ông Aristophanes, điều gì mà chẳng xảy ra được".[10]

Nguồn cứ liệu lớn thứ hai ta có thể dựa vào để tái dựng cuộc sống của phụ nữ ở Hy Lạp cổ đại là các thư tịch diễn văn pháp lý. Vì nhiều trong số đó đề cập đến quyền thừa kế tài sản, chúng đóng vai trò là những sử liệu vô giá ghi lại thái độ của người Athens xưa đối với giới tính và gia đình.[11] Tuy vậy, ta vẫn cần phải cẩn trọng khi dùng những nguồn kiểu này bởi lẽ các phiên tòa Athens cổ điển thực chất là "những cuộc đối đầu hùng biện về bản chất",[12] theo đó bộc lộ tư tưởng của người xưa đối với giới tính, gia đình, và nội trợ.[11] Những bài diễn văn này cũng chứa rất nhiều sự tham chiếu, thậm chí trích đoạn, các luật Athens đã thất truyền. Chẳng hạn như bài diễn văn giả-Demosthenes Chống Neaera, trong đó bao gồm luật xử ngoại tình không còn được lưu giữ ở bất kỳ nơi nào khác.[13]

Bằng chứng khảo cổ học và hình tượng học cung cấp cho ta một cái nhìn sâu sắc hơn hẳn bằng chứng văn tịch. Nghệ nhân Athens xưa kia được biết là cũng bao gồm cả tầng lớp metic.[14] Một số sản phẩm nghệ thuật có thể được tạo ra bởi phụ nữ và trẻ em.[14]

Hướng tiếp cận

Nghiên cứu về phụ nữ thời cổ đại bắt đầu được phổ biển vào những năm 1970, ngay sau sự lan tỏa làn sóng thứ hai của chủ nghĩa nữ quyền. Simone de Beauvoir là nhân vật nổi bật, đã góp phần tạo nên làn sóng nữ quyền này thông qua các phân tích về cuộc đời phụ nữ cổ kim trong danh tác Giới tính hạng hai.

Trước thế kỷ 20, trong một số trường hợp muộn tới tận những năm 1940, các nhà sử học vẫn thường chỉ hời hợt xem xét sử liệu để rút ra những kết luận về cuộc sống của phụ nữ.[15] Phải tới giữa thế kỷ 20 thì phương pháp nghiên cứu mới có nhiều tiến triển.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phụ_nữ_ở_Athens_Cổ_điển https://api.semanticscholar.org/CorpusID:225091578 https://api.semanticscholar.org/CorpusID:143691079 https://api.semanticscholar.org/CorpusID:31968702 https://archive.org/details/isbn_9780195067279 https://archive.org/details/dislocatingmascu0000un... https://api.semanticscholar.org/CorpusID:159972377 https://archive.org/details/cambridgecompani0000un... https://api.semanticscholar.org/CorpusID:161225008 https://api.semanticscholar.org/CorpusID:161587459 https://api.semanticscholar.org/CorpusID:144365160